1. Khái niệm về quy tắc sinh hoạt cộng đồng :

1.1.Khái niệm sinh hoạt cộng đồng:

Sinh hoạt cộng đồng là hoạt động tập thể của một nhóm người, một tập thể mang tính cộng đồng, tổ chức tại nơi sinh hoạt, nơi lao động,học tập, nơi sinh sống ,… nhằm mục đích tạo sự vui tươi, giao lưu, giáo dục qua đó nhằm phát triển năng lực của cá nhân và hiệu quả của hoạt động tập thể.

1.2. Khái niệm quy tắc sinh hoạt cộng đồng:

– Quy tắc sinh hoạt cộng đồng là quy định của các cơ quan nhà nước, tổ chức, tập thể, cộng đồng đòi hỏi mọi người trong xã hội, trong cộng đồng phải tôn trọng và tuân thủ nhằm bảo đảm lợi ích chung.

2. Quy định về việc bố trí, sắp xếp không gian sinh hoạt cộng đồng:

2.1: Quy định về bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng trong nhà chung cư

Không gian sinh hoạt cộng đồng thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư theo Điều 100 Luật nhà ở năm 2014. Bên cạnh đó, pháp luật quy định nhà chung cư bắt buộc phải xây dựng, bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng theo Khoản 10 Điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ- CP quy định việc xử lý chuyển tiếp đối với việc phát triển và quản lý nhà ở như sau:

Kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành, tức 01/07/2015, các nhà chung cư (bao gồm cả nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào các mục đích khác) được xây dựng phải bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định. Đối với nhà chung cư đã được xây dựng từ trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành mà có thiết kế diện tích làm nhà sinh hoạt cộng đồng thì chủ đầu tư phải bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo thiết kế đã được phê duyệt; trường hợp không có thiết kế diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng mà có diện tích nhà dành để kinh doanh thì chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư có thể thỏa thuận để các chủ sở hữu mua hoặc thuê lại một phần diện tích nhà này để làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhà sinh hoạt cộng đồng do Hội nghị nhà chung cư quyết định giao cho Ban quản trị nhà chung cư hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư quản lý; nhà sinh hoạt cộng đồng phải được sử dụng đúng mục đích vào sinh hoạt của cả cộng đồng các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; nghiêm cấm sử dụng nhà này vào mục đích riêng của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, cho thuê, cho mượn, sử dụng vào các mục đích khác không phải phục vụ cho sinh hoạt chung của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

2.2 Quy chuẩn kỹ thuật về không gian sinh hoạt cộng đồng

Theo Mục 2.2.7 của Quy chuẩn QCVN 04:2019/BXD kèm theo Thông tư 21/2019/ TT – BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư thì không gian sinh hoạt cộng đồng phải được bố trí đảm bảo các yêu cầu như sau:

Không gian sinh hoạt cộng đồng phải đảm bảo diện tích sử dụng bình quân tối thiểu đạt 0,8 m2/căn hộ, trong đó phải có không gian phù hợp để tổ chức hội nghị cư dân. Đối với cụm nhà chung cư trong một dự án xây dựng khi không bố trí được không gian sinh hoạt cộng đồng trong từng tòa nhà, cho phép kết hợp tại một vị trí hoặc khu vực riêng biệt với tổng diện tích cho sinh hoạt cộng đồng được giảm tối đa 30%; bán kính từ sảnh các tòa nhà tới nơi sinh hoạt cộng đồng không quá 300 m và cần tính toán, thuyết minh đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thuận tiện cho cư dân. Như vậy, việc bố trí, xây dựng không gian sinh hoạt cộng đồng nhằm mục đích sinh hoạt chung của cư dân đảm bảo diện tích tối thiểu là quy định bắt buộc đối với các chung cư được xây dựng kể từ ngày 01/07/2015 trở về sau hoặc các chung cư xây dựng trước đó nhưng có thiết kế không gian làm nhà sinh hoạt cộng đồng đã được phê duyệt. Ngoài ra, nhà sinh hoạt cộng đồng là không gian sinh hoạt chung thuộc phần sở hữu chung trong nhà chung cư nên phải được sử dụng đúng mục đích chung, các cá nhân, chủ sở hữu riêng không được sử dụng không gian này cho mục đích cá nhân với bất kỳ lý do nào.

3. Cấu trúc cộng đồng trong tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng tại các khu ở đô thị:

Các khu ở trong đô thị không chỉ là nơi sống của các hộ gia đình riêng lẻ mà còn là nơi hình thành, tồn tại và phát triển của một cộng đồng dân cư. Mỗi cá nhân luôn có nhu cầu tương tác với hàng xóm láng giềng tại nơi ở. Chất lượng môi trường xã hội khu ở phụ thuộc không nhỏ vào giải pháp tổ chức các không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng xóm giềng.

Các cơ sở khoa học cho việc tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng xóm giềng hiện nay thường chỉ dựa trên nhu cầu, bán kính di chuyển, đặc điểm giao tiếp, nghỉ ngơi của mỗi cá nhân. Tuy nhiên từ nửa sau thế kỷ 20, yếu tố cấu trúc cộng đồng bắt đầu được quan tâm và làm thay đổi phương thức tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng. Cấu trúc cộng đồng phản ánh cách thức các nhóm người kết nối với nhau và hình thành đơn vị xã hội thông qua quan hệ xóm giềng. Thấu hiểu được cấu trúc này, nhà chuyên môn có thể sắp xếp, bố trí và xác định quy mô phục vụ cần thiết của từng loại không gian sinh hoạt cộng đồng một cách hiệu quả.

3.1. Tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng cho khu ở qua kinh nghiệm của nước ngoài

Có nhiều dạng sinh hoạt cộng đồng khác nhau có thể tồn tại trong khu ở đô thị như: Sinh hoạt cộng đồng xóm giềng, sở thích cá nhân (câu lạc bộ, hội chơi…), tôn giáo tín ngưỡng,… Trong đó, sinh hoạt cộng đồng xóm giềng quan trọng nhất vì có sự tham gia của mọi thành viên trong mỗi gia đình. Các sinh hoạt cộng đồng khác giúp mở rộng quan hệ, đảm bảo cho cư dân có sự cân bằng trong đời sống xã hội. Các nhà nghiên cứu trên thế giới nhận định: Cộng đồng dân cư trong khu ở được tạo thành từ những đơn vị xã hội dựa trên quan hệ hàng xóm láng giềng và quyền lợi chính trị xã hội ở các mức độ khác nhau. Các đơn vị xã hội này sắp xếp trong một cơ cấu tầng bậc tương đối rõ ràng. Tại Anh, vào thập kỷ 1960, các nhà thiết kế và quy hoạch đô thị đề xuất tổ chức các không gian khu ở dưới dạng nhiều đơn vị, khoảng 20-30 căn hộ, hạt nhân là không gian mở bán công cộng dành cho sinh hoạt cộng đồng. Họ gọi đó là các đơn vị liên kết xã hội mạnh và áp dụng vào nhiều đô thị mới tại Anh, tiêu biểu là hai thành phố Runcorn và Milton Keynes.

Các nhà thiết kế đô thị và kiến trúc Bắc Âu cũng có nhận định tương tự: Cơ cấu xã hội của khu vực cư trú sẽ gồm nhiều đơn vị cộng đồng nhỏ sắp xếp theo thứ bậc. Từ thập kỷ 1970, họ đã áp dụng quan điểm trên để thiết kế một số khu nhà ở dưới dạng nhiều đơn vị không gian cơ sở gồm 15 căn hộ có trung tâm là quảng trường nhỏ và nhà cộng đồng. Không gian sinh hoạt cộng đồng của toàn khu ở được bố trí trên đường phố chính. Tại Mỹ, trong một ấn phẩm công bố năm 1961, nhà nghiên cứu J.Omsbee cho rằng quan hệ xóm giềng tốt nhất diễn ra trong phạm vi không gian của 3 đến 12 gia đình, nếu nhiều hơn 16 hộ thì nhóm sẽ mất liên kết và tự chia nhỏ. Các tác giả người Mỹ khác gồm J.D.Chiara, J.Pinero, M.Zelnik, vào năm 1964, cũng đưa ra nhận xét một đơn vị cộng đồng xóm giềng gần có quy mô từ 4 đến 20 hộ. Giới chuyên môn châu Á cũng đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu tương tự. Kobayashi Hideki, nhà nghiên cứu Nhật Bản, xác định phạm vi của một cộng đồng xóm giềng là trên dưới 10 hộ sống kề cận nhau và có thể mở rộng đến 50 hộ tuỳ theo từng không gian đô thị cụ thể.

Balkrishna Doshi, KTS kiêm đô thị gia nổi tiếng của Ấn Độ khẳng định những sinh hoạt cộng đồng xóm giềng của mỗi gia đình thường giới hạn trong phạm vi 20 đến 40 hộ . Trong cấu trúc mật độ cao kiểu chung cư, nếu quy mô đơn nguyên hoặc tòa nhà vượt quá 150 hộ, người dân không thể tạo dựng một cộng đồng. Đầu những năm 1980, cũng tại Ấn Độ, KTS Charles Correa đã thử nghiệm thiết kế một số khu nhà ở tại Belapur, Mumbai bằng cách sắp xếp các nhóm nhà và không gian sinh hoạt cộng đồng theo quan hệ xóm giềng . C.Correa lấy đơn vị gốc là một nhóm nhà cho 7 gia đình bao quanh sân sinh hoạt chung 8x8m. Ba đơn vị như vậy tạo thành nhóm nhà ở cấp hai lấy không gian mở 12x12m làm hạt nhân. Cuối cùng, ba đơn vị cấp hai kết hợp với nhau bằng không gian sinh hoạt cộng đồng có kích thước 20x20m.

Ở Singapore, sau một thời gian nghiên cứu mối liên hệ giữa sinh hoạt cộng đồng xóm giềng và không gian nhà ở, các KTS đã tổ chức chung cư thành từng nhóm 4 đến 8 hộ gia đình có không gian sinh hoạt cộng đồng đi kèm, nhằm tạo ra khả năng giao tiếp xóm giềng nhanh chóng và phù hợp . Cho đến nay, người có quan điểm rõ ràng và đầy đủ nhất về cấu trúc cộng đồng dân cư là Christopher Alexander. Ông nhận định một nhóm nhà ở từ 8 đến 12 hộ gia đình sẽ có quan hệ xã hội thân thiết ở mức độ cao, mọi người thường chia sẻ tình cảm và thường xuyên thăm hỏi giúp đỡ lẫn nhau. Ở cấp độ tiếp theo là “cộng đồng láng giềng” (neigborhood) với dân số vừa đủ để cư dân hợp tác với nhau theo kiểu tự quản, tự chăm lo lợi ích của mình tại nơi cư trú mà không cần cơ cấu hành chính nào. Cộng đồng này có không quá 1500 người, lý tưởng là 500 người để tương tác xóm giềng hiệu quả. Cuối cùng, Christopher Alexander tổng hợp các kinh nghiệm tổ chức nhà nước trong lịch sử, từ nền dân chủ Athen, tư tưởng Nho giáo nêu trong sách “Đại học” đến khái niệm về dân chủ kiểu Mỹ của T. Jefferson và nhiều nghiên cứu khác để đưa ra khái niệm “Cộng đồng chính trị” (political community). Ông nhận định rằng, một đơn vị dân cư nên có khoảng 5000 đến 10.000 dân, lý tưởng là 7000 để quyền lợi và vị trí của mỗi cá nhân, mỗi gia đình được đảm bảo trong cộng đồng. Nếu cộng đồng này lớn hơn 10.000 người thì vai trò cá nhân sẽ bị xóa mờ . Tất cả các quan điểm nêu trên đều hướng đến việc gắn không gian sinh hoạt cộng đồng cho những đơn vị cụ thể trong cấu trúc cộng đồng. Qua đó đem lại giá trị tinh thần cho không gian sinh hoạt cộng đồng, tăng sự kết nối giữa cư dân, nâng cao chất lượng môi trường xã hội và khả năng tự quản không gian khu ở của họ.

3.2. Cấu trúc cộng đồng xóm giềng trong các khu ở tại Việt Nam

Chưa có một nghiên cứu riêng biệt và toàn diện về cấu trúc cộng đồng xóm giềng trong các khu ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, bằng phương pháp tổng hợp liên ngành xã hội học, dân tộc học, lịch sử, chúng ta có thể hình dung được phần nào cấu trúc cộng đồng xóm giềng ở Việt Nam và sự liên quan của nó với không gian cư trú và không gian sinh hoạt cộng đồng. Theo kết quả điều tra xã hội học do Cục Quản lí nhà – Bộ Xây dựng phối hợp với trường Đại học Showa, Tokyo thực hiện ở Hà Nội năm 1999, thì 74% cư dân tại các khu ở có các giao tiếp, sinh hoạt xóm giềng mật thiết trong phạm vi dưới 15 hộ . Trước đó, trong công bố khoa học vào năm 1981 của KTS Nguyễn Đức Thiềm, có 95% gia đình mong muốn mỗi đơn nguyên chung cư chỉ có 3-4 căn hộ trên 1 tầng để có quan hệ xóm giềng hợp lý .Điều này cho thấy có sự hình thành của nhóm xã hội nhỏ qua quan hệ xóm giềng gần. Đối với cấp độ sinh hoạt cộng đồng lớn hơn, chúng ta có thể nhìn qua trường hợp các tổ dân phố. Chúng chính là những cộng đồng thực sự bền chặt và hoạt động tự quản hiệu quả dù được thành lập bằng biện pháp hành chính. Do sống cùng khu vực, mọi người trong cộng đồng đều quen biết nhau và có thể thảo luận, đồng thuận các vấn đề dự trên quan hệ xóm giềng. Một thống kê nhỏ của chúng tôi cho thấy, ở Hà Nội, quy mô tổ dân phố thường khoảng 100 hộ dù hình thái không gian khu ở của các tổ đó hoàn toàn khác nhau (Xem bảng). Theo quy định, một tổ dân phố tại Hà Nội phải từ 250 hộ trở lên, nhưng thực tế cho thấy, khi nhóm dân cư trong một khu vực cư trú trở nên quá lớn, tổ dân phố sẽ phải chia nhỏ về một quy mô nhất định thì mới có thể tồn tại. Chẳng hạn như trường hợp như chung cư T34 Trung Hòa – Nhân chính. Có 380 hộ sống chung trong tòa nhà nhưng phải chia thành 2 tổ dân phố.

Đối với cấp cộng đồng lớn, tương tự cộng đồng chính trị (theo quan niệm của Christopher Alexander), trong truyền thống quần cư của người Việt, đó là làng và phường trong đô thị cổ. Chúng thể hiện sự trùng khớp giữa các cơ cấu: Hành chính – không gian ở – quan hệ cộng đồng. Có những cơ sở cho thấy cộng đồng làng xã có giới hạn nhất định về quy mô dân số. Làng Việt dần ổn định từ thế kỷ 15 với sự xuất hiện của đình, khi đó làng có quy mô tối đa là 600 hộ, khoảng 3000 dân. Cho đến thế kỷ 20, theo thống kê của nhà dân tộc học Pierre Gourou, 98,7% làng dưới 4000 người và chỉ 1,3% trên 4000 người . Với mức độ biến đổi chậm như vậy, có thể cho rằng quy mô cộng đồng kiểu làng xã truyền thống hiện nay có thể vẫn không quá 4000 người.Như vậy, tại Việt Nam, trong các khu dân cư cũng có những loại hình cộng đồng xóm giềng gần, cộng đồng tự quản dân phố và cộng đồng chính trị. Nếu hiểu rõ cấu trúc này, nhà chuyên môn có thể tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng phù hợp với nhu cầu của người Việt.

Trên đây là nội dung bài viết của CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM BSC PHARMA về quy tắc sinh hoạt cộng đồng và quy định về việc bố trí, sắp xếp không gian sinh hoạt cộng đồng. Nếu còn gì vướng mắc liên quan đến pháp lý thì quý khách có thể liên hệ đến tổng đài Luật Minh Khuê để được hỗ trợ. Trân trọng./